Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

LÂM ĐỒNG LẠC BƯỚC GIỮA PHỐ HOA ĐÀ LẠT

Lâm Đồng:  Lạc bước giữa phố hoa Đà Lạt
Tuy rằng Đà Lạt là một phần của tỉnh Lâm Đồng, nhưng nói đến Lâm Đồng thì phải nói riêng về Đà Lạt bởi Đà Lạt là một địa danh đặc biệt nổi tiếng, thu hút sự chú ý của mọi người dân trong nước và quốc tế.
Là một thành phố trẻ trên cao nguyên mát lạnh của vùng đất Nam Tây Nguyên, một chốn đi về làm ấm lòng lữ khách phương xa mỗi lúc dừng chân và một "tiểu Paris" của người Việt Nam..., Đà Lạt đã trở thành điểm hẹn của biết bao du khách.
Có lẽ không có nơi nào ở trên đất nước ta và cả vùng Đông Nam á lại có được một khí hậu tuyệt với như Đà Lạt với nhiệt độ trung bình hàng năm từ 18 - 20 độ C. Do nằm trọn trên cao nguyên Langbiang có rừng thông đặc chủng bao bọc dày đặc nên dù những năm gần đây khi thời tiết diễn biến bất thường thì nhiệt độ trung bình năm của Đà Lạt vẫn không dao động lớn, nhiệt độ lúc cao nhất cũng chỉ ở 29 độ C. Đà Lạt lại có được sự chăm chút của bàn tay con người làm nên hơn 2000 ngôi biệt thự góp phần làm nên một thành phố đầy hương sắc.
 
 
Từ trước đến nay, có nhiều cách lý giải về tên gọi Đà Lạt, nhưng thuyết phục nhất, có cơ sở nhất vẫn là từ 1 tên gọi mang tính dân tộc học. Khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến cao nguyên, khu vực mà họ tiếp xúc đầu tiên là những cư dân Lạch sống quanh khu vực thung lũng hồ Xuân Hương ngày nay - những bộ lạc đã chọn khu rừng thưa trên cao nguyên Langbiang làm nơi cư trú. Khi tiếp xúc, các cư dân đã bật lên từ "Đạ Lạch" (Đạ là nước, dịch ra tức sông suối của người Lạch) và từ đó đã được người Pháp dùng 1 cách thông dụng.
Những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã cho lập một đề án xây dựng Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ dưỡng và những người có mặt đầu tiên đã chọn tên cho thành phố từ một câu châm ngôn cho gần với các thành phố châu Âu xuất phát từ gốc Latinh : DAT ALLIS LAETITUM ALLIS TEMPERRIEM (dịch ra: Cho người này niềm vui, cho người kia sự mát lành). Khi lấy 5 chữ cái của 5 từ trên ghép lại cũng ra chữ Dalat. Nhưng giả thuyết này không được nhiều người chấp nhận mà chỉ là sự thi vị hóa cái tên Đà Lạt cho gần với mục đích, khai sinh ra thành phố này là để tìm một nơi cho các quan chức Pháp nghỉ ngơi vào mùa hè.
Độ chênh lệch của các bề mặt cao nguyên xếp tầng gây nên những "bước hụt" của các dòng sông, con suối mỗi khi chúng chuyển từ bề mặt cao hơn xuống bề mặt thấp hơn tạo nên xung quanh Đà Lạt hàng trăm thác nước. Nổi tiếng có thác Dambri, thác Cam Ly, Prenn... Bên cạnh đó, Đà Lạt còn có nhiều hồ tự nhiên và nhân tạo như Hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Đa Thiện, hồ Tuyền Lâm... bao quanh các hồ là những rừng thông nối tiếp nhau. Thông cũng là một nét đặc trưng của Đà Lạt và có sức hấp dẫn đặc biệt. Có thể gọi Đà Lạt là thành phố của rừng thông.
Nói đến Đà Lạt không thể không nói đến hoa. Khí hậu và đất đai Đà Lạt rất thích hợp cho sinh trưởng và phát triển các loài hoa cũng như các loài rau xanh. Có loại hoa truyền thống cao nguyên, có loại hoa gốc từ Pháp, Hà Lan đã thuần chủng, có nhiều loài hoa lai tạo với vô vàn màu sắc. Riêng hoa hồng, Đà Lạt đã có trên 20 loại. Có những loại hoa, không thể nhìn thấy ở nơi đâu ngoài Đà Lạt, ấy là các giống hoa phong lan: Tứ diện xích lan, Hoàng phi hạc, Hoàng thảo mặt trúc. Hàng trăm loại phong lan quý hiếm đã đưa thành phố Đà Lạt vào hàng ngũ những thành phố Hoa Lan nổi tiếng thế giới. Đà Lạt có mai anh đào bản địa - nó là sự giao thoa, hôn phối của mai và đào, bông hoa kết cánh như mai nhưng có màu hồng thắm của đào. Phượng tím nguồn gốc từ Nam Mỹ - hoa nở vào cuối đông và tím suốt mùa xuân. Đà Lạt có pensée từ Pháp đưa sang hồi đầu thế kỷ - tuổi mực tím gọi pensée là hoa học trò, họ nhặt hoa ép vào tập vở ghi lưu bút ngày xanh. Đà Lạt là xứ sở của hồng, của lan: hồng phấn, hồng chàm, hồng luân vũ, hồng trắng, hồng vàng, hồng nhung... rồi vệ hài, hồng lan, bạch lan, hoàng lan, thủy tiên, lọng điểm, gấm đất... Đà Lạt có mimosa - lá hoa màu xám trắng như có cả sương mù và thác bạc làm chàng nhạc sĩ đất phương Nam phải ngập ngừng chất vấn: "Mimisa, từ đâu em tới đất này ? Đà Lạt đồi núi chập chùng, Đà Lạt trời mây nước mênh mông..."
Một nét đặc biệt khác để in đậm dáng dấp của thành phố Đà Lạt trong tâm cảm mỗi người chính là những ngôi nhà kiểu phố lô nhô, cao thấp, bên cạnh những con đường dốc sương giăng mỗi sớm mai; kiến trúc những ngôi biệt thự, dinh thự kiểu Pháp xưa, hay nhà ga xe lửa độc đáo có đường ray răng cưa… Từ sau bước chân đầu tiên của bác sĩ Yersin đến vùng đất hoang sơ của người Lạt - vào ngày 21/6/1893, lần lượt những đồ án quy hoạch Đà Lạt được ra đời, phê duyệt và thực thi, góp phần làm nên bộ mặt cảnh quan đô thị của thành phố này theo dòng thời gian và lịch sử. Khái niệm "thành phố trong rừng" hay "rừng trong thành phố" - là một thực thể sáng tạo độc đáo về quy hoạch kiến trúc đô thị gắn với cảnh quan thiên nhiên rất hiện đại và mang bản sắc riêng của Đà Lạt. 
Lâm Đồng – hùng vĩ, thơ mộng và và tràn ngập yêu thương đang chờ đón bạn!http://maxreading.com/sach-hay/qua-mien-van-hoa/lam-dong-37520.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét